banner top trang chu moi
Văn hóa doanh nghiệp
Nhân năm Thìn nói chuyện Rồng

Cập nhật ngày 13/01/2012 

Rồng nhập hệ lịch can chi 12 con vật, là biểu tượng chi Thìn - một chi quan trọng với những ý nghĩa triết lý nhân văn sâu sắc. Giờ Thìn kéo dài từ 7 - 9h sáng, khoảng thời gian được coi là đẹp nhất trong ngày. Tháng thìn là tháng 3, cuối xuân cây cối tốt tươi, con người dồi dào sinh lực. Rồng là linh vật đứng vào hàng bậc nhất trong tứ linh: long, lân, quy, phụng. Ở phương Tây rồng bị xem như điềm xấu, chuyên mang đến những tai họa. Trong khi đó, ở phương đông rồng lại biểu tượng cho sự thịnh vượng, sức mạnh quyền uy và sự cao sang.

Hình tượng con rồng xuất hiện rất sớm trong đời sống và văn hóa Việt Nam. Gắn liền với truyền thuyết con rồng cháu tiên huyền thoại, lý giải nguồn cội tổ tiên của người Việt. Hình ảnh con rồng được sử dụng trong mọi lĩnh vực của đời sống, từ dân dã đến ngôi cao chín bệ, từ văn hóa vật thể đến đời sống tâm linh.

Thời phong kiến, hình ảnh con rồng đã trở thành biểu tượng của quyền lực, gắn liền với hình ảnh của các đấng thiên tử. Mình rồng, long thể chỉ cơ thể vua. Sân rồng nơi các quan tụ họp. Long bào chỉ áo vua, long sàng - giường vua... Rồng biểu trưng cho sức mạnh của các triều đại nên được trang trí phổ biến trên mọi công trình kiến trúc ở cung đình, lăng tẩm.

Nếu như con rồng thời Hùng Vương còn gần với nguyên mẫu con cá sấu thì rồng thời Lý đã có sự hài hòa của cá sấu và rắn, thân hình rồng uốn lượn nhịp nhàng, uyển chuyển, miệng ngậm ngọc, biểu trưng cho sự thịnh vượng, ổn định của xã hội. Rồng thời Trần khắc họa linh hoạt hơn, phản ánh sự phát triển năng động của thời đại.

Rồng thời Hồ thân hình mập mạp cho thấy sự sung sức, táo bạo của vương triều vừa mới sáng lập bằng cuộc cải cách của Hồ Quý Ly. Thời Lê, khi Nho giáo thành quốc giáo, uy lực của nhà vua lên đến tột đỉnh, thì hình dáng con rồng dũng mãnh hơn với móng quặp, sừng dài, bờm dựng...Sang đến thời Mạc, rồng uốn khúc tùy tiện, phản ánh một thời kỳ hỗn độn, phân liệt, tranh chấp liên miên...

Trong dân gian hình ảnh con rồng được dùng để trang trí đình chùa, miếu mạo tuy đơn giản nhưng linh hoạt, phong phú và gần gủi hơn. Rồng gắn liền với ước mong phồn thực, với biểu tượng cầu mưa, bởi với cư dân nông nghiệp, Rồng là vị thần đảm đương việc "hô mưa, gọi gió". Câu "rồng đen lấy nước thì nắng, rồng trắng lấy nước thì mưa" là một kinh nghiệm dân gian đúc kết nhìn trời mà đoán mưa hay nắng.

Dù không hiện hữu trong cuộc sống hằng ngày nhưng rồng vẫn được nhắc đến trong chuyện thần thoại, cổ tích, tục ngữ, ca dao... Xưa nay dân gian vẫn thường lấy câu "rồng bay phượng múa" để khen người viết chữ đẹp, nét bút phóng khoáng. Những người đỗ đạt cao trong các khóa thi được ví với "cá chép hóa rồng". "Cá gặp nước, rồng gặp mây" chỉ việc gặp dịp có những điều kiện thuận lợi hợp ý muốn để hoạt động. Với kẻ bị thất bại vì không có tài mà lại muốn làm việc lớn, người đời thường hay chế giễu "vẽ rồng nên giun". Hay để chê người cứ vẽ chuyện làm cho công việc thêm phức tạp thì có câu "vẽ rồng, vẽ rắn". "Ăn như rồng cuộn, làm như cà cuống lội nước" ngụ ý chế giễu người ăn nhiều, ăn tham nhưng khi làm việc thì lại lười biếng. Câu "rồng đến nhà tôm" thường được dùng với ý nhún nhường hay bông đùa khi gặp bạn lâu ngày mới đến thăm mình. Còn "Long tranh hổ đấu" chỉ sự tranh đấu quyết liệt...

Không chỉ vậy, chữ Long (Rồng) thường được dùng để đặt tên cho nhiều địa danh ở nước ta như: Hàm Rồng, Hàm Long, Thăng Long, Cửu Long, Vịnh Hạ Long... Đôi điều tản mạn về rồng, hy vọng với những ý nghĩa tốt đẹp, năm Nhâm Thìn này sẽ mang đến cho chúng ta nhiều tài lộc, may mắn, hạnh phúc và thành công.

                                                                                                         Phúc Thanh