banner top trang chu moi
Góc Kỹ thuật
Phác đồ điều trị bệnh xuất huyết trên cá rô phi

Căn cứ kết quả phân tích mẫu bệnh của Trung tâm nghiên cứu quan trắc, cảnh báo môi trường và phòng ngừa dịch bệnh khu vực miền Bắc, tại ao nuôi cá rô phi bị bệnh chết của 03 hộ thuộc xã Minh Hòa, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương

 

Căn cứ kết quả thực tế ứng dụng thuốc trộn vào thức ăn, chế phẩm thuốc hóa chất xử lý môi trường tại các ao nuôi cá rô phi bị bệnh của Chi cục Thuỷ sản từ ngày 22 - 28 tháng 6 năm 2010 có nhiều hộ đã ngăn chặn được hiện tượng cá rô phi bị chết, môi trường ao nuôi được cải thiện, cá hoạt động trở lại bình thường và sử dụng nhiều thức ăn;

Chi cục Thuỷ sản đưa ra khuyến cáo về công tác phòng trị bệnh, xử lý môi trường đối với ao nuôi cá rô phi bị nhiễm bệnh như sau:

 Đối với đàn cá rô phi trong ao nuôi

Thường xuyên kiểm tra ao nuôi phát hiện tình hình bệnh, thấy cá ăn kém, bỏ ăn, mặt ao yên lặng khi có người đi đến bờ ao (ao nuôi cá rô phi khi có người đi đến đầu ao chúng chạy đến tạo sóng mạnh đòi ăn).

Ao cá bị bệnh có hiện tượng cá chết rải rác, bơi lờ đờ trên mặt nước không định hướng, có con xoay tròn rồi nhảy khỏi mặt nước, cá biệt có con mắt lồi, màu sắc cá thay đổi trắng nhợt, biểu hiện toàn thân bình thường không có vết tím, sây sát. Khi có biểu hiện cá chết cần nhanh chóng dùng thuốc càng xớm hiệu quả trị bệnh càng cao.

I. Dùng thuốc trộn vào thức ăn: Chọn một trong các loại thuốc sau

1. Dùng thuốc: Imekana-ADE (của Công ty TNHH TM & SX thuốc thú y ANPHA): trộn vào thức ăn cho cá ăn;

Liều dùng: 1gói thuốc 100gam trộn cho 10 kg cám viên nổi cho cá ăn tương ứng được 300 kg cá trong ao, cho ăn liên tục trong 5-7 ngày.

2. Dùng thuốc Doxycycline (Trung tâm Viện I, Bắc Ninh) liều lượng 100mg/1 kg cá và Vitamin tổng hợp liều lượng 2gam/kg cá cho ăn liên tục trong 7 ngày để tăng sức khỏe cá và phòng trị bệnh.

3. Enrofloxacine (Trung tâm Viện I, Bắc Ninh): liều lượng 100gam thuốc/25 kg thức ăn (tương đương cho 600-800kg cá trong ao), cho ăn liên tục từ 5 - 7 ngày.

II.Dùng chế phẩm xử lý môi trường ao nuôi

Dùng thuốc VICATO (viên sủi) đóng chai nhựa có trọng lượng 01 kg chứa 500 viên: Rắc đều khắp ao;

Liều dùng: 01 kg cho 2.000 - 2.500m3 nước ao, rắc vào 9 - 10 giờ sáng hoặc 17 - 18 giờ chiều, rắc trong 02 ngày liền. Lưu ý không dùng vôi.

Ghi chú: Đây chỉ là một số loại thuốc, hóa chất do Chi cục Thuỷ sản ứng dụng thành công tại 07 hộ có cá rô phi bị chết từ ngày 22 - 28 tháng 6 năm 2010. Trên thị trường còn nhiều loại thuốc khác phòng trị bệnh cho động vật Thủy sản thực hiện theo hướng dẫn, tuy nhiên cần được khảo nghiệm qua thực tế cho hiệu quả và giá hạ nhất, đồng thời phải là thuốc được phép lưu hành của Bộ Thủy sản (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

III. Dùng chế phẩm sinh học:

Khôi phục nhanh màu nước ao, tăng ô xy hòa tan vào nước:

- Sau khi dùng chế phẩm VICATO được 05 ngày dùng chế phẩm sinh học như: BIO TEC; EM; HATICO... theo hướng dân trên bao bì nhằm cung cấp nhanh vi khuẩn có ích cho môi trường ao nuôi, tăng ô xy, phân hủy nhanh vật chất hữu cơ tồn dư đáy ao

- Có thể dùng: HATICO: 100gam cho 1.000m3 nước ao; EM: Theo hướng dẫn ghi trên bao bì.

IV. Các biện pháp hỗ trợ khác

- Bổ sung ô xy từ không khí vào nước, đảo nước bằng cách: Tăng cường bơm nước mới vào ao; sục khí; quạt nước;

- Thường xuyên kiểm tra ao nuôi cá vào sáng, trưa, chiều thu gom cá chết xử lý theo yêu cầu thú y Thủy sản;

- Tuyệt đối không xả nguồn phân tươi từ chăn nuôi trực tiếp xuống ao;

- Những ao chưa có hiện tượng cá bị bệnh cần quan tâm đến công tác xử lý môi trường bằng chế phẩm sinh học định kỳ 15 ngày một lần vào những tháng cao điểm nắng nóng: 6;7;8.

- Không bán chạy cá thương phẩm khi phát hiện ao cá bị bệnh, không xả nước ao cá nhiễm bệnh ra môi trường bên ngoài ao nuôi. Khi phát hiện ao cá bị bệnh cần khẩn trương báo cáo cơ quan có thẩm quyền tại địa phương để có giải pháp hỗ trợ tư vấn kỹ thuật kịp thời, hiệu quả trị bệnh càng cao./.

Nguồn Chi cục Thuỷ sản Hải Dương

 

Phạm Ninh Hải