banner top trang chu moi
Tin trong nước
“Sở kẹt” cá tra

"Sở kẹt" cá tra

Hai tuần nay, giá cá tra thương phẩm ở ĐBSCL đã tăng lên và đứng ở mức 18.000 - 18.700 đ/kg. Đây là mức giá cao nhất kể từ năm 2008 đến nay. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp thu mua được rất ít cá nguyên liệu, vì toàn vùng ĐBSCL không còn nhiều. Ông Nguyễn Văn Đạo, Giám đốc Công ty CP Thủy sản Gò Đàng (Tiền Giang), cho biết: "Nhiều doanh nghiệp quy mô lớn đã giảm khoảng 50% công suất hoạt động. Đáng lo là hàng loạt nhà máy chế biến quy mô nhỏ đã đóng cửa, do càng làm càng lỗ".

Đây là hệ quả tất yếu của quá trình nhiều năm liên tục các doanh nghiệp đua nhau giảm giá cá tra xuất khẩu, dẫn tới phải giảm giá thu mua nguyên liệu trong nước. Người nuôi cá tra không có lãi, thậm chí lỗ 2.000 - 3.000 đ/kg nên tình trạng bỏ ao ngày càng nhiều. Theo Hiệp hội thủy sản các tỉnh ĐBSCL, từ đầu năm 2009, có khoảng 40% diện tích số ao nuôi trong 6.000 ha ao cá tra tại ĐBSCL đã bị bỏ trống. Năm 2008, toàn vùng có khoảng 25% số hộ nuôi cá tra bị phá sản, 30% số hộ nuôi bị mất vốn tự có, 40% số hộ không trả nổi nợ ngân hàng. Trong vòng hai năm qua, nhiều doanh nghiệp đã tự tổ chức vùng nuôi, nhưng cũng chỉ cung ứng được chừng 30% sản lượng theo nhu cầu.

Hôm giữa tháng 10, Hiệp hội Thủy sản Việt Nam đã chủ trì hội nghị doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra năm 2010 tại TP. Hồ Chí Minh và thống nhất đưa ra 4 nhóm giải pháp, gồm: Tăng giá xuất khẩu trung bình; ổn định sản lượng nguyên liệu, bảo đảm cung - cầu; tăng cường quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn sản phẩm và đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại. Ông Trần Thiện Hải, Chủ tịch VASEP nói rằng, đây là cách hiệp hội và 20 DN xuất khẩu cá tra hàng đầu nhằm vực dậy ngành cá trong nước cũng như chấn chỉnh thị trường xuất khẩu cho năm 2011. Theo đó, từ đầu năm 2011, mức giá sàn xuất khẩu cá tra sẽ được đưa ra định kỳ 3 tháng (hoặc đột xuất). Chủ tịch Ủy ban Cá nước ngọt (VFFC) thuộc VASEP triệu tập cuộc họp với 20 DN hàng đầu và đại diện của Cục Quản lý chất lượng nông lâm - thủy sản (Nafiqab) sẽ xem xét tình hình thực tế để công bố mức giá sàn. DN nào vi phạm sẽ đề nghị Nafiqab tạm ngưng cấp chứng thư xuất khẩu có thời hạn. Trước mắt, giá sàn sẽ áp dụng cho thị trường EU, Mỹ, Trung Đông, sau đó sẽ mở rộng. Ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch VFFC, cho biết, mức giá sàn đề xuất sẽ là 2,8 USD/kg áp dụng cho thị trường EU, Nga, Trung Đông. Giá sàn thu mua cá nguyên liệu trong nước sẽ được duy trì ở mức 20.000 đ/kg.

Vào những ngày đầu tháng 11 này, tín hiệu vui vừa xuất hiện là giá cá phi lê xuất khẩu trung bình đã tăng trở lại, khoảng 0,3 USD/kg so với tháng 9, đạt 2,7 USD/kg. Tuy nhiên, nguyên liệu trong nước chỉ khoảng 1 triệu tấn, trong khi công suất chế biến của các nhà máy đã lên đến 2 triệu tấn/năm. Thực trạng này khiến khó tránh khỏi tình trạng các nhà máy chế biến "đói" nguyên liệu trong năm 2011. Trong lúc đó, sự phục hồi của các hộ nuôi cá không thể sớm trong ngày một ngày hai.

Bốn giải pháp mà VASEP đưa ra thực thi trong năm 2011 khá lý tưởng, nhưng trước mắt nó cũng chỉ có ý nghĩa "sở kẹt" khi mà chắc chắn các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sẽ phải chạy vạy rã chân mới có thể đủ cá nguyên liệu sản xuất trong năm. Trong lúc đó, Bộ NN&PTNT, cơ quan được đích thân Thủ tướng Chính phủ từng giao trọng trách chỉ đạo sản xuất và tiêu thụ cá tra chưa đưa ra được quy hoạch cân đối cung - cầu và đảm bảo quyền lợi người nuôi cá. Mục tiêu xây dựng con cá tra, cá ba sa trở thành sản phẩm quốc gia, xem ra còn lâu mới đạt tới!

LẬP CHƯƠNG



Download file đính kèm tại đây