banner top trang chu moi
Tin trong nước
10 sự kiện nổi bật của xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2014

 Cập nhật: 23/12/2014

Không nhiều sóng gió hơn nhưng XK thủy sản trong năm 2014 cho thấy rõ nét hơn của tác động của thị trường thế giới, sự cạnh tranh gay gắt của các nước đối thủ và sự chuyển biến trong nước sau những nỗ lực tái cấu trúc kinh tế. Mặc dù, XK thủy sản dự kiến có thể vượt kế hoạch đề ra, đạt khoảng 7,8 tỷ USD trong năm 2014. Tuy nhiên, đây cũng là một năm buồn của các DN XK cá Tra và cá Ngừ.
 
Nhìn lại năm 2014, Ban Biên tập Bản tin TMTS xin đưa ra 10 sự kiện nổi bật nhất của XK thủy sản trong năm.
 
1. Xuất khẩu thủy sản vượt kế hoạch, đạt trên 7 tỷ USD
Tính đến hết tháng 11/2014, tổng kim ngạch XK thủy sản đã đạt 7,3 tỷ USD, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả khả quan này chủ yếu nhờ vào XK nhóm sản phẩm XK chủ lực tôm. Nếu 11 tháng đầu năm trước, giá trị XK tôm chiếm 45% thì cùng kỳ năm nay tỷ lệ tiếp tục tăng lên và chiếm 50,5% tổng XK. Giá trị XK mặt hàng cá Tra chững, tăng không đáng kể 0,6%. Trong cơ cấu hải sản XK năm nay, duy nhất mặt hàng cá ngừ giảm 9% so với cùng kỳ năm 2013.
 
2. Doanh nghiệp thủy sản hướng về biển Đông
Ngày 01/5/2014, Trung Quốc đã ngang nhiên đưa giàn khoan nước sâu cùng hơn 80 tàu vũ trang, tàu quân sự và máy bay hộ tống đi vào vùng biển Việt Nam và đã hạ đặt giàn khoan này tại vị trí nằm sâu trên 80 hải lý trong Thềm lục địa và vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam. Với tinh thần yêu nước, ngày 12/5/2014, Ban Chấp hành VASEP đã kêu gọi tất cả DN, cá nhân cùng chung sức đóng góp ủng hộ cho chương trình "Chung sức bảo vệ biển Đông của Việt Nam". Ngay trong ngày đầu tiên phát động, Văn phòng Hiệp hội đã nhận được số tiền ủng hộ 1,7 tỷ đồng từ 3 DN thủy sản hội viên. Hai ngày sau đó, đã có hơn 20 DN hội viên VASEP chung tay đóng góp với số tiền hơn 2,8 tỷ đồng. Kết thúc chương trình vào 31/5/2014, đã có 49 DN, cá nhân đã ủng hộ 3,367 tỷ đồng. Trong đó, 02 tỷ đồng đã được VASEP trao trực tiếp cho Kiểm ngư và Cảnh sát biển Việt Nam. Số tiền còn lại đã được chuyển tới các ngư dân đang đánh bắt tại vùng biển Hoàng Sa.
 
3. Nghị định số 36 quyết tâm xây dựng quản lý ngành cá Tra bền vững
Sau nhiều năm chuẩn bị, lấy ý kiến các bên liên quan để xây dựng Nghị định cá Tra do Bộ NN và PTNT chủ trì, ngày 29/4/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 36/2014/NĐ-CP về nuôi, chế biến và XK sản phẩm cá Tra. Nghị định là cột mốc quan trọng khẳng định quyết tâm của Chính phủ trong việc xây dựng, quản lý ngành cá Tra theo hướng bền vững và phát triển sản thành sản phẩm XK chiến lược và có tác động lớn tới hoạt động chế biến, XK của DN cá Tra Việt Nam. Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/6/2014. 
 
3 tháng sau đó, vào ngày 29/7/2014, Bộ NN và PTNT đã ban hành Thông tư số 23/2014/TT-BNNPTNT hướng dẫn thực hiện Nghị định số 36/2014. Thông tư này hướng dẫn cụ thể việc kiểm tra điều kiện nuôi, cấp mã số nhận diện cơ sở nuôi và xác nhận đăng ký nuôi cá Tra thương phẩm; kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm trong chế biến, xuất khẩu sản phẩm cá Tra; xác nhận hợp đồng xuất khẩu sản phẩm cá Tra và có hiệu lực từ ngày 12/9/2014.
 
4. Bộ NN và PTNT công bố kế hoạch hành động tái cấu trúc ngành thủy sản
Ngày 10/6/2013, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 899/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao GTGT và phát triển bền vững. Theo đó, nội dung của đề án đã chính thức công bố những mục tiêu, quan điểm và giải pháp cụ thể cho việc phát triển nông nghiệp, nông thôn ở nước ta trong giai đoạn tới. Ngày 18/6/2013, Bộ NN và PTNT ra Quyết định số 1384/QĐ-BNN-KH ban hành Chương trình hành động thực hiện đề án "Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao GTGT và phát triển bền vững" theo Quyết định số 899/QĐ-TTg. Ngày 29/8/2014, Bộ NN và PTNT đã phối hợp cùng FAO và Nhóm Trợ giúp Quốc tế (ISG) tổ chức "Hội nghị công bố kế hoạch hành động tái cơ cấu ngành trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản" đồng thời đưa ra các đề xuất, giải pháp chính để thực hiện các kế hoạch hành động.
 
5. Các hãng tàu biển tăng, áp đặt các loại phí, phụ phí bất hợp lý
Kể từ năm 2010, các chủ tàu biển nước ngoài đã thu hơn 10 loại phụ phí như: Phí dịch vụ container (THC), phí mất cân đối container (CIC/CIS), phí tắc nghẽn cảng (PSC), phí vệ sinh container, phí sửa chữa vỏ container, phí thủ tục, lưu bãi, phí cầu đường, phí hóa đơn... Các loại phụ phí này tăng theo thời gian, tuy nhiên, đến năm 2014, các khoản phí này đã tăng từ 20 - 30% so với năm 2013, không có lộ trình và không có sự thỏa thuận nào giữa chủ hàng và chủ tàu. Trước những bức xúc và bất bình của các DN XNK, trong đó có DN thủy sản, Bộ GTVT, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính đã phải vào cuộc. Sau nhiều cuộc họp bàn, từ giữa tháng 8/2014 đã có nhiều hãng tàu biển thông báo ngừng thu, tăng một số loại phụ phí, đầu tiên là phụ phí tắc nghẽn.
 
6. Xuất khẩu tôm tiếp tục tăng mạnh, dự kiến đạt 4 tỷ USD
Tính đến hết tháng 11/2014, XK tôm Việt Nam đã đạt 3,68 tỷ USD, tăng 31,1% so với cùng kỳ năm 2013 và dự kiến sẽ chạm mốc 4 tỷ USD trong năm nay.
 
Thiếu hụt nguồn cung do ảnh hưởng của Hội chứng tôm chết sớm (EMS) bắt đầu lan rộng vào cuối năm 2012 khiến cho sản xuất tôm của nhiều nước gặp khó khăn, đặc biệt là Thái Lan và Trung Quốc. Trong khi đó, sản lượng tôm của Việt Nam năm nay tăng mạnh nhờ nuôi tôm chân trắng được mở rộng nhanh chóng. Ngoài ra, giá tôm trên thị trường thế giới năm nay vẫn duy trì mức cao cũng là một trong những yếu tố chính góp phần đẩy mạnh XK tôm Việt Nam trong năm nay.
 
Nửa đầu năm 2014, XK tôm chân trắng đã vượt và gần gấp đôi so với tôm sú và tiếp tục duy trì sức tăng mạnh vào những tháng sau. Tính đến hết tháng 11/2014, XK tôm chân trắng đạt trên 2,15 tỷ USD, chiếm 58,5% trong tổng giá trị XK. Trong khi đó, xuất khẩu tôm sú đạt 1,29 tỷ USD, chiếm 35% tỷ trọng. Sản lượng tôm chân trắng trong nước tăng mạnh góp phần đẩy mạnh XK tôm chân trắng của Việt Nam trong năm nay.
 
7. Thuế CBPG tôm POR8 cao nhất từ trước tới nay
Tháng 9/2014, XK tôm của Việt Nam sang Mỹ giảm mạnh. Đây cũng là thời điểm Mỹ công bố mức thuế chống bán phá giá (CBPG) cao nhất từ trước tới nay đối với tôm đông lạnh của Việt Nam. Ngày 19/9/2014, Bộ thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã công bố kết quả cuối thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam bán vào Hoa Kỳ cho đợt xem xét hành chính từ 01/02/2012 đến 31/01/2013 (POR8). Trong đó Tập đoàn Thủy sản Minh Phú chịu mức thuế 4,98%, Công ty cổ phần Thủy sản Sóc Trăng (STAPIMEX) 9,75% và 30 công ty bị đơn khác 6,37%.
 
VASEP đang chuẩn bị các bước cần thiết để kiện lên Tòa án Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (US ITC) về cách thức mà DOC đã tính toán và áp mức thuế CBPG lên con tôm Việt Nam một cách không công bằng và bất hợp lý. Tuy nhiên, trước mắt, mức thuế này sẽ ảnh hưởng tới XK tôm sang Mỹ trong Qúy IV/2014.
 
8. Nga "mở cửa" cho 10 DN Việt Nam vào thị trường Nga
Đầu tháng 8/2014, Nga đã cho phép 7 DN Việt được XK thủy sản vào thị trường này, gồm có 5 DN chế biến sản phẩm cá tra đông lạnh và 2 DN chế biến tôm đông lạnh. Đầu tháng 9/2014, Nga tiếp tục dỡ bỏ lệnh tạm đình chỉ NK đối với 3 DN thủy sản Việt Nam, trong đó có 1 DN cá tra nâng tổng số DN được phép XK vào thị trường này lên 10 DN.
 
9. Kết quả sơ bộ POR10: DOC áp dụng mức thuế thấp hơn với philê cá tra đông lạnh
Ngày 9/7/2014, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) thông báo kết quả sơ bộ thuế chống bán phá giá (CBPG) cá tra trong đợt xem xét hành chính lần thứ 10 (POR 10) đối với cá tra philê đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam giai đoạn từ 01/8/2012 đến 31/7/2013.
 
Theo đó, so với kết quả chính thức của POR9, kết quả sơ bộ của POR 10 có mức thuế thấp hơn nhiều. Cụ thể, Cty Vĩnh Hoàn vẫn được tính thuế CBPG là 0%, 24 công ty khác được giảm thuế từ 1,2 USD/kg xuống còn 0,58 USD/kg. Riêng Cty An Việt bị tính thuế 2,39 USD/kg do cung cấp thông tin không đúng thời hạn và thiếu cụ thể theo yêu cầu của DOC.
 
Tuy nhiên, đây mới là kết quả sơ bộ nên chưa có tác động gì tới việc xuất khẩu cá tra sang Mỹ. Hy vọng khi DOC công bố kết quả chính thức, mức thuế CBPG đối với cá tra Việt Nam có thể giảm thêm nữa.
 
10. Xuất khẩu cá ngừ giảm liên tiếp trong 2 năm
Tính đến hết tháng 11/2014, tổng giá trị XK cá ngừ đạt 444,98 triệu USD, giảm 9% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, đây là năm thứ 2, giá trị XK mặt hàng này giảm sút. Nguyên nhân chủ yếu là do giá cá ngừ và nhu cầu NK của thế giới giảm mạnh. DN chủ yếu XK cá ngừ đóng hộp và giảm tỷ lệ XK cá ngừ tươi. Hai năm trước, năm 2012, giá trị XK cá ngừ tăng mạnh nhất trong cơ cấu thủy sản XK của cả năm, trong khi XK hai mặt hàng chủ lực tôm và cá Tra đều giảm.
 
Tạ Hà
Nguồn tin: Vasep