banner top trang chu moi
Tin trong nước
5 cường quốc tôm thẻ

Cập nhật: 12/11/2014

Với ưu điểm thời gian nuôi ngắn, ngưỡng chịu mặn rộng, lợi nhuận trước mắt cao hơn tôm sú, tôm thẻ chân trắng (TTCT) tạo sức hút mới với nông dân. Các nước nuôi TTCT lớn nhất là Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Brazil, Việt Nam.

Trung Quốc

Năm 1988, giáo sư Zhang Weiquan - một chuyên gia nghiên cứu về đại dương Trung Quốc, thuộc Trường Đại học Texas Port Aransas đã đưa TTCT vào nuôi thử nghiệm ở Trung Quốc. Ấu trùng TTCT do Đại học Texas A&M, Mỹ cung cấp. Năm 1992, Trung Quốc sản xuất thành công ấu trùng TTCT. Năm 1994 - 1999, hoạt động nuôi TTCT bắt đầu nở rộ dưới dạng quy mô nhỏ. Năm 2001, diện tích nuôi TTCT tăng mạnh khắp Trung Quốc. Năm 2003, sản lượng TTCT của Trung Quốc đạt 600.000 tấn (chiếm 76% tổng sản lượng tôm nuôi tại nước này). Năm 2008, sản lượng TTCT tăng vọt lên 1,2 triệu tấn, trong tổng số 1,6 triệu tấn tôm nuôi. Trung Quốc đang sản xuất một lượng lớn TTCT phục vụ thị trường nội địa.

Thái Lan

TTCT xuất hiện lần đầu tại Thái Lan, năm 1999. Ba năm sau, hoạt động nuôi TTCT phát triển mạnh tại quốc gia này. Hiện nay, 95% diện tích nuôi tôm sú ở Thái Lan đã chuyển sang TTCT. Sản lượng TTCT năm 2002, 2003, 2004 lần lượt tăng lên 30.000 tấn, 170.000 tấn và 300.000 tấn, chiếm 80% tổng sản lượng tôm nuôi nước mặn. Do tình trạng bất ổn của nền kinh tế thế giới, Thái Lan giảm sản lượng tôm khoảng 20%, từ 500.000 tấn xuống còn 400.000 tấn trong năm 2012, tổng diện tích trên 70.000 ha, với 2 - 3 vụ nuôi mỗi năm. Chất lượng tôm giống tốt là ưu tiên hàng đầu ở Thái Lan. Tôm giống phải đạt trọng lượng 10 g khi nuôi trong 60 ngày, 17 g trong 90 ngày hoặc 25 g trong 120 ngày, tất cả với mật độ thả 90 - 20 PL/m2, tỷ lệ sống đạt 80%, ở nhiệt độ 28 - 31°C (từ tháng 2 tới tháng 10).

 

Ấn Độ

Năm 2009, TTCT chính thức được nuôi ở Ấn Độ và nhanh chóng gia tăng cả diện tích lẫn sản lượng. Từ tháng 4 đến tháng 12/2012, sản lượng TTCT của Ấn Độ đạt 123.551 tấn, tăng 53% so cùng kỳ năm 2011. Hai tỉnh nuôi tôm lớn nhất Ấn Độ Andhra Pradesd và Odisha thu lợi lớn nhờ nuôi TTCT. Năm 2012 - 2013, tổng kim ngạch xuất khẩu TTCT của hai tỉnh trên đạt 730 triệu USD, tăng 345 triệu USD so cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng TTCT từ tháng 1 đến tháng 4/2011 tăng 40%, từ 25.000 tấn lên 35.000 tấn so cùng kỳ năm trước. Những trang trại chuyển sang nuôi TTCT đã đạt năng suất 10 tấn/ha, chủ yếu ở các tỉnh phía Nam. Điều kiện thời tiết ấm cũng là nhân tố giúp tôm phát triển nhanh hơn. Hiện nay, với nguồn tôm giống bố mẹ nhập khẩu từ Mỹ, các cơ quan thủy sản Ấn Độ giám sát rất chặt trong giai đoạn đầu phát triển TTCT, từ thiết lập các trại thực nghiệm để theo dõi, cấp phép cho các trại giống bố mẹ đạt chuẩn đến việc cấp giấy chứng nhận cho từng hộ nuôi tôm sạch sau khi thu hoạch.

Brazil

TTCT nuôi thâm canh và bán thâm canh xuất hiện ở Brazil từ những năm 1980. Năm 2010, sản lượng tôm thẻ của Brazil đạt 100.000 tấn, trị  giá 290 triệu USD. Khu vực đông bắc Brazil chiếm 97% sản lượng TTCT cả nước. Bang Ceará là một trong những địa phương đi đầu nuôi TTCT, với tổng diện tích nuôi 5.850 ha. Brazil tuân thủ nghiêm luật lệ của một số tổ chức quốc tế (FAO, GAA, NACA) về nuôi trồng thủy sản, về việc sản xuất và dịch chuyển con giống siêu hạng SPF, SPR để tránh lây lan dịch bệnh. Khác với nhiều quốc gia nuôi TTCT phục vụ xuất khẩu, Brazil nuôi TTCT phục vụ nội địa vì giá rất cao. Do dịch bệnh hoành hành nên ngành tôm Brazil cũng rơi vào khủng hoảng từ năm 2003 tới 2009. Năm 2010, ngành nuôi tôm phục hồi dần, đặc biệt ở các tỉnh đông bắc, nơi có diện tích nuôi tôm thẻ 19.715 ha, 1.200 hộ nuôi tôm, năng suất tôm đạt giá trị 300 triệu USD.

Việt Nam

Năm 2006, ngành thủy sản Việt Nam cho phép bổ sung nuôi TTCT từ Quảng Ninh đến Bình Thuận, nhưng vẫn cấm nuôi ở ĐBSCL. Đầu năm 2008, ĐBSCL được phép nuôi TTCT, nhằm đa dạng hóa sản phẩm thủy sản xuất khẩu, giảm áp lực cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của các nước trong khu vực và trên thế giới. Năm 2013, Việt Nam có 583 cơ sở sản xuất giống TTCT (chưa kể các cơ sở ương tôm giống), sản xuất khoảng 47,2 tỷ con giống; Diện tích TTCT 64.000 ha; Sản lượng đạt 272.837 tấn. 

>> Đến năm 1992, TTCT đã được nuôi phổ biến trên thế giới, chủ yếu ở các nước Nam Mỹ. Năm 2003, TTCT bắt đầu xuất hiện ở châu Á. Năm 2010, TTCT toàn thế giới đạt 2,7 triệu tấn về sản lượng và 11 tỷ USD về giá trị.

Tuấn Minh
Theo thuysanvietnam