banner top trang chu moi
Bài viết trang chủ
Nuôi cá lóc bông cho hiệu quả kinh tế cao ở Nghĩa Hưng (Nam Định)
Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao thu nhập, nhiều hộ nông dân ở Nghĩa Hưng (Nam Định) đã chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản. Nhiều đối tượng nuôi cho hiệu quả kinh tế cao như: cá rô phi, ba ba, tôm càng xanh… đặc biệt con cá lóc bông được thị trường ưa chuộng đem lại thu nhập cao, ổn định, được xác định là một trong những đối tượng nuôi chủ lực của nông dân Nghĩa Hưng.

 
 
Ban đầu, cá lóc bông được 4 hộ nông dân ở 2 xã Nghĩa Bình, Nghĩa Thành đưa về nuôi. Đây là đối tượng nuôi thủy sản cho giá trị kinh tế cao, thịt thơm ngon, thị trường tiêu thụ lớn, có thể sống trong các ao, hồ nước ngọt hoặc môi trường nước có hàm lượng ôxy thấp, thậm chí cả trong điều kiện vùng nhiễm mặn... Thức ăn cho cá lóc bông là cá vụn nước ngọt, cua, ốc và cá tạp biển. Vì vậy, điều kiện môi trường ven biển ở Nghĩa Hưng hoàn toàn thuận lợi đưa cá lóc bông vào nuôi thả. Kết quả cho thấy nuôi cá lóc bông lợi nhuận gấp 4-5 lần so với nuôi cá truyền thống. Thấy hiệu quả rõ rệt, nhiều hộ nông dân trong huyện đã cải tạo ao, chuyển sang nuôi cá lóc bông. Đến nay, diện tích nuôi của huyện đã mở rộng lên 41ha với 87 hộ tham gia, tập trung tại các vùng nuôi: nông trường Rạng Đông 24ha; Nghĩa Thắng và Nghĩa Lợi 10ha; Nghĩa Châu, Nghĩa Bình, Nghĩa Thành và Nghĩa Hải 17ha. Đồng chí Khương Duy Thám, Phó trưởng Phòng NN và PTNT huyện, cho biết: So với nuôi cá truyền thống, nuôi cá lóc bông kỹ thuật không khó, không đòi hỏi diện tích ao nuôi quá lớn, hiệu quả tương đối cao. Để nuôi cá lóc bông đạt hiệu quả cao, trước tiên ao nuôi phải được vệ sinh sạch sẽ, tháo hết nước để phơi đáy từ 3-5 ngày, sau đó mới dẫn nước vào, duy trì mực nước sâu từ 1-1,5m. Ao nuôi phải bảo đảm thoáng gió, gần nguồn nước sạch, có cống cấp và tiêu nước thuận lợi. Quá trình nuôi dưỡng luôn giữ môi trường nước ao sạch sẽ, hằng ngày theo dõi cá ăn để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp nhằm phòng tránh gây ô nhiễm môi trường, dịch bệnh cho cá do lượng thức ăn thừa tồn dư trong ao. Nếu nuôi đúng quy trình kỹ thuật, cho ăn đầy đủ, cá sẽ lớn rất nhanh, nuôi sau 5-6 tháng cá có thể đạt trọng lượng từ 1-1,3 kg/con. Nguồn cá giống chủ yếu được mua từ miền Nam. Tại Nghĩa Hưng, cá lóc bông chỉ nuôi 1 vụ, bắt đầu từ tháng 4 các hộ đồng loạt xuống giống, đến tháng 9 sẽ cho thu hoạch rải rác đến hết tháng 11 là kết thúc vụ nuôi. Dù chỉ nuôi 1 vụ nhưng mỗi năm sản lượng cá lóc bông của Nghĩa Hưng luôn đạt trên 400 tấn, cung ứng cho thị trường trong tỉnh và các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng… Qua các vụ nuôi, nông dân Nghĩa Hưng đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm, hiện hầu hết các hộ tổ chức nuôi cá lóc bông theo hình thức tập trung, thâm canh năng suất cao, mật độ thả có thể lên tới 20-25 con/m2.Theo hạch toán của các hộ nuôi cá lóc bông, mỗi ha nuôi có thể cho năng suất cá đạt hơn 11 tấn, doanh thu đạt trên 600 triệu đồng và cho thu lãi 150-200 triệu đồng/ha. Nhiều hộ thu lãi cao từ cá lóc bông như hộ ông Trần Văn Biêm, Thị trấn Rạng Đông; ông Nguyễn Văn Tám, xã Nghĩa Hải; ông Trần Mạnh Thiêm, bà Trần Thị Hành, xã Nghĩa Bình; ông Phạm Thành Trung, Phạm Đức Vận, xã Nghĩa Châu… thu trên 100 triệu đồng/năm từ cá lóc bông. Đầu năm 2014, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của xã Nghĩa Thắng, anh Nguyễn Văn Cơ, đội 9, xã Nghĩa Thắng đã chuyển toàn bộ 1ha diện tích đất cấy lúa kém hiệu quả sang phát triển kinh tế trang trại tổng hợp, trong đó anh đào 1.000m2 để nuôi cá lóc bông. Anh Cơ cho biết: Trước khi đầu tư nuôi cá lóc bông, anh đã được xã cho tham quan, học hỏi các mô hình nuôi cá lóc bông thành công trên địa bàn huyện. Kết hợp với kinh nghiệm nuôi các loại cá truyền thống đúc kết từ nhiều năm nên việc chuyển sang nuôi cá lóc bông với anh khá thuận lợi. Nhờ chú trọng ngay từ khâu lựa chọn những con giống khỏe mạnh, kích cỡ đồng đều nên đàn cá 1,2 vạn con của gia đình anh sinh trưởng phát triển nhanh, hứa hẹn một vụ cá bội thu. Để đảm bảo cho thành công của vụ nuôi cá lóc bông nói riêng, các đối tượng nuôi thủy sản nói chung, ngay từ khi bước vào đầu vụ sản xuất, huyện Nghĩa Hưng có các văn bản chỉ đạo kịp thời từ việc cải tạo ao đầm đến lịch xuống giống, đồng thời tăng cường công tác quản lý giống; phối hợp với các cơ quan của Sở NN và PTNT trong công tác phòng trừ dịch bệnh. Các hộ nông dân trong huyện cũng nhận thức rõ công tác cải tạo ao là một khâu quan trọng quyết định đến năng suất, sản lượng của vụ nuôi nên đã thực hiện cải tạo một cách nghiêm túc, triệt để. Hiện tại, một số hộ nuôi tại xã Nghĩa Thắng, nông trường Rạng Đông đã tiến hành thu hoạch cá lóc bông, với sản lượng ước đạt 6 tấn. Dự kiến tổng sản lượng cá lóc bông toàn huyện Nghĩa Hưng năm 2014 đạt 450 tấn.
Thành công từ nuôi cá lóc bông đã góp phần đa dạng hóa con nuôi, thúc đẩy nghề nuôi trồng thủy sản Nghĩa Hưng phát triển theo hướng bền vững, đem lại hiệu quả kinh tế cao và ổn định cho nông dân. Để đối tượng nuôi này đứng chân ổn định tại địa bàn, trở thành vật nuôi làm giàu cho nông dân, huyện tiếp tục chỉ đạo phòng chuyên môn tập huấn thêm về kỹ thuật nuôi cá lóc bông cho bà con nông dân. Thông qua các lớp tập huấn giúp bà con nông dân củng cố, nâng cao kiến thức về kỹ thuật thả nuôi, phòng trị các loại bệnh, chăm sóc cá lóc bông để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Đồng thời, hướng dẫn các hộ nuôi xây dựng mô hình tổ hợp tác, HTX, CLB chuyên mua bán cá lóc bông để mở rộng thêm thị trường, nâng cao tính hiệu quả, ổn định, nhằm phát huy tiềm năng mặt nước của địa phương./.