banner top trang chu moi
Tin trong nước
Quy hoạch phát triển cá nước lạnh: Cần hướng đến lợi ích

Cập nhật: 27/12/2013

 Cá nước lạnh đã được nuôi thành công tại Việt Nam từ nhiều năm qua, tuy nhiên, để loài cá này có thể phát triển mạnh và mang lại hiệu quả như mong muốn thì còn rất nhiều việc phải làm.

 Lợi thế phát triển

Từ năm 2002, Nhà nước đã quan tâm, đầu tư nghiên cứu lập công nghệ phục vụ nuôi cá tầm; nhiều dự án nhập công nghệ, đề tài nghiên cứu sản xuất giống và nuôi thương phẩm được phê duyệt, với các giống cá tầm Siberi, Trung Quốc, Nga, Đức. Năm 2005, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I (NCNTTS I) đã khởi công dự án nhập công nghệ sản xuất giống, đề án nuôi thử nghiệm cá nước lạnh tại Thác Bạc, Sa Pa, Lào Cai và Lâm Đồng (2007). Hiện, phong trào nuôi cá nước lạnh đã phát triển tại 22 tỉnh, thành phố, sản lượng tăng nhanh từ 95 tấn (2007) lên 1.585 tấn (9/2013). Viện NCNTTS I đang lưu giữ khoảng 60 cặp cá tầm Siberi bố mẹ, 20 con cá tầm Trung Quốc bố mẹ, 500 cá hồi vân bố mẹ. 
 
Hiện, phong trào nuôi cá nước lạnh đã phát triển tại 22 tỉnh, thành phố - Ảnh: Quốc Minh
 
Việt Nam có nhiều lợi thế hệ thống khí hậu, địa hình (nhiều sông, suối, núi...) thuận lợi cho phát triển cá nước lạnh. Tuy nhiên, chúng ta không có các loài giống bản địa, chưa hoàn thiện công nghệ sản xuất thức ăn; chi phí đầu tư còn cao, sản phẩm tiêu thụ tươi sống và thị trường nhỏ hẹp, liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ còn lỏng... Mặt khác, cá nước lạnh là đối tượng nuôi mới, việc ban hành khung pháp lý, hướng dẫn kỹ thuật còn khá mới mẻ; hầu hết các tiêu chuẩn, quy chuẩn chưa được ban hành...

Cần định hướng mới
Bộ NN&PTNT đã giao Tổng cục Thủy sản, trực tiếp là Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản, xây dựng Quy hoạch Phát triển cá nước lạnh đến năm 2020, phát triển lĩnh vực cá nước lạnh thành ngành sản xuất kinh doanh có điều kiện (theo tiêu chuẩn VietGAP và quốc tế), quy mô nhỏ, theo mô hình chuỗi giá trị sản phẩm hiện đại dựa trên cơ sở chia sẻ lợi ích hài hòa giữa các bên tham gia; từng bước xây dựng các vùng sản xuất chuyên biệt; Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật và chuyển giao công nghệ để nâng cao giá trị gia tăng, thúc đẩy sản xuất.

Để đạt mục tiêu đề ra, theo nhiều chuyên gia thủy sản, điều quan trọng trong Quy hoạch cá nước lạnh không phải là đạt bao nhiêu sản lượng mà là lợi ích mang lại thế nào, để dù sản xuất ít vẫn có nguồn tiêu thụ tốt, thị trường ổn định. Đồng thời, không nên đi chi tiết vào từng tỉnh mà chỉ quy hoạch theo vùng, từ đó các vùng sẽ điều chỉnh cho phù hợp điều kiện riêng. Cần chú trọng chất lượng hơn số lượng, mang lại lợi ích gì cho người dân và hài hòa lợi ích các bên tham gia chuỗi giá trị...

>> Ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia: Việt Nam cần nghiên cứu sản xuất cá tầm giống, sử dụng thức ăn trong nước, và quy hoạch lại vùng nuôi cho phù hợp hơn. Kết hợp với việc trang bị kiến thức về kỹ thuật chăm sóc, quản lý dịch bệnh, tìm kiếm thị trường cho người nuôi; mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo thuận lợi trong sản xuất...

Ngọc Hân
Theo thuysanvietnam