banner top trang chu moi
Góc Kỹ thuật
Hệ thống thiết bị lọc hồ cá cảnh

Chơi cá cảnh đã trở thành thú vui của nhiều hộ gia đình ngày nay. Còn gì tuyệt vời hơn mỗi khi ngắm đàn cá  nhiều màu sắc bơi lội tung tăng trong bể. Có một bể cá cảnh trong nhà  làm cho con người thư thái và gần gũi với thiên nhiên hơn. Nhưng làm sao luôn luôn duy trì đàn cá trong bể nhà bạn luôn khỏe đẹp? Vấn đề chính ở đây là giữ cho nguồn nước trong bể luôn luôn sạch thoáng và không còn chất cặn bẩn, độc hại.

Hệ thống lọc trong bể cá là một trong những phần quan trọng nhất để duy trì sự cân bằng trong bể nuôi. Các nhà chuyên môn thường phân ra ba loại hệ thống lọc trong nuôi cá cảnh, mỗi loại đều có những đặc điểm cần phải hiểu rõ để áp dụng vào bể nuôi trong gia đình cho phù hợp, đạt hiệu quả lọc như mong muốn.

Hệ thống lọc cơ học

Hệ thống này có mục đích chính là lấy đi những chất lơ lửng trong nước và những cặn bã dưới đáy hồ, làm cho nước trong về mặt thị giác chứ không hề tạo ra thay đổi lớn nào về tính lý hóa của nước. Đây cũng là dạng hệ thống lọc thường được bán ngoài thị trường tại các cửa hàng cá cảnh: dùng một motor bơm nước hồ qua lớp gòn không thấm nước để lọc các chất cặn.

Hệ thống lọc hóa học

Hệ thống này là dùng những hóa chất hay những chất tương tự để trung hòa hoặc lấy đi thành phần hóa học có trong nước. Hệ thống này trong cá cảnh thường sử dụng than hoạt tính để hấp thu những thành phần hóa học có trong nước, hấp thu mùi và màu của nước. Than hoạt tính là carbon được nén ép ở áp lực cao và nhiệt độ lớn nên có nhiều lỗ hổng bên trong cấu trúc và có tính thấm hút rất mạnh. Hệ thống này có thể dùng liên tục trong giai đoạn lọc nước giúp lấy đi mùi màu và các thành phần hóa chất trong nước. Ngoài ra than hoạt tính còn được sử dụng để hút các thành phần thuốc sau thời gian điều trị, giúp loại bỏ thuốc kể cả màu sắc và mùi vị.

Hệ thống lọc sinh học

 

Nguyên tắc hệ thống này là dựa vào chu trình chuyển hóa nitơ trong nước: thức ăn thừa và phân cá lắng tụ tạo nên môi trường cho các vi khuẩn biến đổi thành ammonia (NH3) và nitrite (NO2) cực kỳ độc hại cho cá; có một số loại vi sinh vật có lợi có khả năng biến đổi ammonia và nitrite thành nitrate là một hợp chất ít độc hơn, tương đối an toàn cho cá. Mục đích của hệ thống lọc sinh học này là làm sao nuôi dưỡng, sản sinh ra nhiều vi sinh vật có lợi để làm giảm lượng chất độc ammonia và nitrie trong bể nuôi.

Những loại vi sinh vật có lợi này cần ba điều kiện để có thể sinh sôi, phát triển và hoạt động tốt:

 

1.      Phải có giá bám là những thực thể trung tính (không tạo phản ứng hóa học với các thành phần nước), có nhiều ngóc ngách để không bị rửa trôi. Vật liệu thường được sử dụng là đá, sỏi, miếng xốp, san hô,... Vi sinh vật sẽ sống trong những khe hở này và sinh sôi lên.

2.      Phải có nguồn thức ăn, đó là các chất thải hữu cơ bao gồm phân cá, thức ăn dư thừa, các chất hữu cơ trong nước. Tuy nhiên, nếu lượng hữu cơ quá nhiều, vượt quá sinh khối của vi sinh vật, điều đó sẽ giết chết toàn bộ các vi sinh vật có lợi, làm cho nước trở nên rất dơ, hàm lượng ammonia và nitrite sẽ tăng cao, giết chết cá.

3.      Phải có nguồn oxy đầy đủ nuôi sống vi sinh vật. Điều này thực hiện được nhờ vào luồng nước di chuyển liên tục chảy qua giá bám và cung cấp dưỡng khí.

 Đối với những người nuôi cá cảnh lâu năm có kinh nghiệm thường kết hợp cả 3 hệ thông lọc trên cho bể cá. Tuy nhiên đối với từng loài cá mà bạn có thể thiết kế cho bể nhà mình cho phù hợp. Chú ý môi lần chuyển bể, thay nước cũng phải tìm hiểu kỹ đặc tính môi trường sống của từng loài mà có chế độ lọc nước, tạo môi trường sống phù hợp nhất cho đàn cá thân yêu của gia đình bạn!

theo thietbilocnuoc.info

TC